Khi chọn công ty để xây dựng website, bảng giá luôn là điều khiến các doanh nghiệp phải đau đầu cân nhắc và suy tính. Không chỉ bảng giá, các nhà đầu tư cũng phải tốn nhiều thời gian và công sức tìm hiểu về các thuật ngữ liên quan. Để tiện cho các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn, hôm nay Đám Mây Nhỏ sẽ giới thiệu qua các khái niệm cơ bản cũng như so sánh hai mức giá đầu tư cho xây dựng website.
Cấu trúc của ‘căn nhà’ website
Hãy tưởng tượng bạn đang xây một căn nhà. Căn nhà ấy không thể lơ lửng trong không trung được mà phải có một nền móng đủ vững chắc, hay còn gọi là hosting. Hosting chính là máy chủ để dựng xây, nâng đỡ cả căn nhà của bạn. Căn nhà ấy chính là website với những phòng khách, phòng ngủ… bên trong, hay còn gọi là các file, tài liệu… Con đường dẫn đến nhà bạn sẽ là mạng internet và bạn vào nhà nhanh hay chậm phụ thuộc vào băng thông (tốc độ truyền tải trong 1 giây). Cuối cùng, địa chỉ để phân biệt nhà mình với những căn nhà khác là tên miền.
Nên xây một ‘căn biệt thự’ hay ‘căn nhà tạm’?
Một website sẽ có nhiều mức giá khác nhau và tất nhiên kèm theo đó là những tính năng, đặc thù của từng mức giá. Sau đây là 5 điều bạn cần cân nhắc trước khi đi đến quyết định cuối cùng là nên xây một căn nhà như thế nào để vừa hợp với túi tiền, vừa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.
1. DUNG LƯỢNG LƯU TRỮ (Kích cỡ căn nhà)
Không như nhiều người nghĩ, giá để xây nên một website không phụ thuộc vào tên miền, mà điểm khác biệt lớn nhất nằm ở những gói hosting.
Các công ty hosting sẽ đưa ra nhiều gói hosting khác nhau cho từng website với giá cả tương ứng. Nếu có kinh phí thấp, khách hàng buộc phải chọn gói hosting giá rẻ, đồng nghĩa với dung lượng lưu trữ và băng thông hằng tháng bị giới hạn. Nó cũng tương tự như một căn nhà nhỏ nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8 lúc nào cũng kẹt xe vậy. Cũng vì lý do này mà chỉ có một lượng traffic nhất định (có thể xem như khách tham quan) có thể truy cập website của bạn.
Mặt khác, website đắt tiền sẽ có băng thông và lượng traffic không giới hạn. Điều ấy nghĩa là tốc độ tải trang, khả năng vận hành mượt mà hơn nhiều lần. Kết quả là khách hàng sẽ có được trải nghiệm người dùng tốt hơn khi ghé thăm căn nhà của bạn.
2. GIAO DIỆN (Ngoại thất)
Những yếu tố như giao diện người dùng, hình ảnh,… sẽ được kết hợp để tạo ra giao diện website mang tính thẩm mỹ cao nhất, trong đó có 2 khía cạnh rất quan trọng cần cân nhắc là:
- Responsive design: Giao diện website phải tương thích với mọi kích thước màn hình, không bị tình trạng “mất đầu mất đuôi” khi nhìn qua màn hình nhỏ hơn như điện thoại. Hầu như tất cả các website giá cao đều hỗ trợ tính năng này. Các website giá rẻ cũng có nhưng rất hiếm.
- Bố cục trang: Mỗi website đều có một trang chính (phòng khách), rồi từ đó rẽ ra những trang nhỏ hơn với bố cục riêng (các phòng còn lại của căn nhà). Cũng y như thuê một kiến trúc sư, tất cả mọi thứ từ hiệu ứng đến font chữ đều được thiết kế theo brand guideline của doanh nghiệp.
3. TÍNH NĂNG (Nội thất)
Một website đắt tiền sẽ chứa được một lượng lớn nội dung và thu hút tương tác, traffic hơn gấp nhiều lần. Nói cách khác, một căn nhà đầy đủ nội thất, sắp xếp có chủ ý lúc nào cũng khiến khách thăm trầm trồ so với một căn nhà chỉ lèo tèo vài ba chiếc ghế dựng tạm.
Không những vậy, nhờ vào hệ thống tích hợp với website thứ 3, khách hàng sẽ dễ dàng tương tác và kết nối với những ứng dụng khác trên chính website ấy. Khách hàng cũng sẽ thích hơn nếu họ được xem trước để có thể hình dung được sản phẩm họ cần như thế nào. Tính năng này có thể ví như khách hàng đứng ngoài vẫn có thể thấy lấp ló trong nhà có gì. Sau đó bước vào nhà rồi, họ vẫn có thể kết nối với bạn bè ở nơi khác mà không phải ra đường vậy. Lẽ dĩ nhiên là những tính năng ấy chỉ có ở một website với giá thành cao.
4. BẢO MẬT (Hàng rào)
Phần lớn các gói website giá cao có hệ thống SSL (Secure Sockets Layer). Hãy xem SSL này như một hàng rào bảo mật cấp cao cho căn nhà của bạn. Với sự trợ giúp của SSL, những thông tin nhạy cảm như số thẻ tín dụng chẳng hạn sẽ được bảo mật trong quá trình trao đổi. Ngược lại, những gói website giá thấp sẽ không kèm theo các dịch vụ bảo mật này. Kẻ xấu sẽ có thể nhìn ra những lỗ hổng trong website của bạn và nguy cơ bị hack, bị cài phần mềm xấu, virus sẽ rất cao.
5. BẢO TRÌ WEBSITE (Sửa nhà)
Một website giá rẻ sau khi được bàn giao thì hợp đồng kết thúc. Sau này nếu không may có hư hại gì thì rất khó cho chủ nhà để sửa chửa. Đối với website giá cao thì đó không còn là mối bận tâm nữa vì các công ty ấy sẵn sàng hỗ trợ lâu dài sau khi đã bàn giao. Việc sửa chữa cũng diễn ra dễ dàng vì cơ sở hạ tầng đều là của họ chứ không phải cóp nhặt từ một nguồn có sẵn như WordPress.
Lời kết
Khoản tiền bạn bỏ ra sẽ nhận lại được kết quả tương ứng. Để chọn được mức giá phù hợp, bạn nên cân nhắc các câu hỏi về thời gian, kinh phí và thành phẩm cuối cùng, ví dụ như:
- Bạn cần website trong vòng bao lâu?
- Kinh phí của bạn là bao nhiêu để đầu tư website?
- Bạn đã có sẵn logo, hình ảnh, nội dung cho website chưa?
- …
Xác định được những điều ấy rồi, bạn sẽ biết được mình nên đầu tư xây một ngôi nhà cấp 4 với tiện nghi cơ bản hay là một căn biệt thự “hớp hồn” khách viếng thăm nhé!
Tác giả: Hương Giang